Vang vọng lời Bác giữa biển trời Đông Bắc

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh luôn tự hào khi là nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ 9 lần về thăm. Bác còn nhiều lần gửi thư, điện khen ngợi, thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Những tình cảm sâu sắc, lời căn dặn chân tình và cả mong mỏi của Bác dành cho Quảng Ninh đã trở thành động lực để quân và dân Vùng mỏ ra sức thi đua, phấn đấu trong lao động, sản xuất, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp.

Vang vọng lời Bác giữa biển trời Đông Bắc

   Nhớ mãi những lần Bác về thăm

9 lần Bác về thăm Quảng Ninh là những sự kiện vô cùng quan trọng, ý nghĩa trong hành trình dựng xây và phát triển của tỉnh. Từ mỏ than Đèo Nai, Vịnh Hạ Long đến thành phố địa đầu Móng Cái hay nơi đảo xa Ngọc Vừng, Cô Tô... đều in dấu bóng hình của Bác. Giữa những ngày tháng 5 này, cùng với toàn Đảng, toàn quân và đồng bào khắp mọi miền đất nước, từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân Vùng mỏ lại bồi hồi, xúc động nhớ về Bác với tất cả lòng thành kính.

Và càng đặc biệt hơn, tháng 5 cũng đúng dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ thăm quân và dân huyện đảo Cô Tô 9/5 (1961-2023) - nơi duy nhất của Việt Nam được Bác đồng ý cho dựng tượng Người lúc sinh thời.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội đảo Cô Tô, ngày 9/5/1961. Ảnh tư liệu

Dù đã có biết bao nhiêu thay đổi nơi hòn đảo tiền tiêu nhưng với cụ bà 80 tuổi Trần Thị Trác (thị trấn Cô Tô), hình ảnh về vị lãnh tụ giản dị cùng những lời căn dặn ấm áp của Người vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức và trái tim của bà. Ngày 9/5/1961, Cô Tô được đón Bác Hồ về thăm là ngày mà cả huyện đảo ngập tràn trong niềm vui lớn. Đi đến đâu, gặp ai, từ cán bộ, đảng viên đến nông dân, Bác đều thân tình, vui vẻ trò chuyện, hỏi thăm và động viên đồng bào chăm chỉ làm ăn, phát triển thế mạnh của biển để bảo vệ, xây dựng biển đảo...

Bà Trần Thị Trác bồi hồi: Sau ngày đón Bác ra thăm, cả huyện đảo vô cùng phấn chấn, hăng say trong khí thế lao động, sản xuất mới. Thực hiện lời dặn của Bác, bà con hăng hái tăng gia, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã. Từ ruộng khoai, cánh đồng muối đến bến cảng, lúc nào cũng trong không khí hối hả, chạy đua cùng thời gian để phấn đấu thực hiện bằng được những mục tiêu mà huyện đề ra. Nhờ đó, những năm sau sản lượng muối, đánh bắt thủy sản đều tăng lên, đời sống bà con dần thoát cảnh nghèo đói, lương thực trên đảo được đảm bảo. Cho đến nay, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá nhờ phát triển du lịch. Thế hệ chúng tôi ngày ấy có lẽ không bao giờ tưởng tượng được sự thay đổi mạnh mẽ của huyện đảo như hôm nay.


Huyện Cô Tô tổ chức Lễ Thượng cờ Tổ quốc tại Cột cờ chủ quyền trên đảo sáng ngày 9/5, nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô 9/5 (1961-2023). Ảnh: Chu Linh

62 năm đã qua đi, Cô Tô giờ đây đã vươn mình trở thành “Hòn ngọc xanh” nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc với KT-XH phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự bứt phá của ngành du lịch, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của nhân dân huyện đảo ngày càng văn minh, hiện đại.

Không riêng Cô Tô, ở những nơi Bác đặt chân và đi qua, quân và dân nơi ấy đều như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Thấm nhuần lời Bác dạy, tự hào là đơn vị duy nhất trong ngành Than vinh dự được Bác Hồ đến thăm, lớp lớp thợ mỏ Than Đèo Nai các thời kỳ đã phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” đưa mỏ đi lên, hòa cùng nhịp bước phát triển của Vùng mỏ và đất nước. Mỗi tầng than nơi đây vẫn ấm mãi dấu chân Bác Hồ với lời dặn dò: “...Trước đây bốn lăm năm, khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng, để xe, máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa...”.


Khai trường sản xuất Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin. Ảnh: Hoàng Yến

Bằng những giải pháp điều hành sản xuất thông minh, sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân, người lao động, khắp các công trường, phân xưởng, không khí lao động luôn diễn ra hăng hái, sôi nổi. Nhiều năm liên tục, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin đều hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao, đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân, thợ mỏ. Công ty đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động... Riêng năm 2022, doanh thu của Công ty đạt 3.563 tỷ đồng, tăng 23% kế hoạch năm, góp phần quan trọng giúp TKV xác lập kỷ lục về doanh thu trong năm 2022.

Khắc sâu lời Bác dạy

Ghi nhớ lời Bác dặn “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đến nay, Quảng Ninh đã có sự đổi thay lớn lao cả về tầm vóc và diện mạo, trở thành tâm điểm của đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tiên phong trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chăm lo đời sống nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia.


Một góc đô thị TP Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Phương

Với mục tiêu cao nhất vì hạnh phúc của nhân dân, Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cho các công trình động lực chiến lược để nhân dân được hưởng lợi như hoàn thành đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay. Qua đó, tạo bước phát triển mới, đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển to lớn.

Tỉnh đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền. Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đồng thời hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ đây, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.


Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022 với vị trí số 1. Ảnh: Đỗ Phương.

Tăng trưởng kinh tế GRDP quý I/2023 đạt khoảng 8,06%, đưa Quảng Ninh nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc về tăng trưởng, tiếp tục khẳng định đà phát triển của một địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp, được đánh giá là một kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 6 năm liên tiếp (2017-2022); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 5 năm đứng đầu cả nước (2017-2020, 2022) và đứng thứ 2 năm 2021; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất 4 năm liên tiếp (2019-2022), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ nhất năm 2020 và 2022.


Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành, tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh: Đỗ Phương

Lời dạy của Bác giữa biển trời Đông Bắc suốt những năm qua và sau này sẽ vẫn mãi mãi là kim chỉ nam, là ngọn đuốc để kết tinh sức mạnh đoàn kết, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, để Quảng Ninh tiếp tục vươn cao, vươn xa, trở thành một tỉnh giàu đẹp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Nguồn: Nguyễn Dung ( Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4